Sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh, còn được gọi là sâm Việt Nam hay nhiều tên gọi khác nhau, là bài thuốc chứa hàm lượng dược chất dồi dào và quý hiếm. Sâm Ngọc Linh được chứng minh là có tác dụng bồi bổ, tăng cường sức khỏe và chữa bệnh rất cao.

Thành phần của sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh có tên khoa học Panax vietnamensis, là một loài cây thuộc họ Cam tùng, còn gọi là sâm Việt Nam, sâm trúc (sâm đốt trúc hay trúc tiết nhân sâm), sâm Khu Năm (sâm K5), củ ngải rọm con, cây thuốc giấu. Loại sâm quý này được tìm thấy tại miền Trung Trung Bộ Việt Nam, tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, sâm còn phân bố tại núi Ngọc Lum Heo thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn hay ở đỉnh Ngọc Am tỉnh Quảng Nam. Sâm Ngọc Linh mọc dày trên đất nhiều mùn ven các suối ẩm ở độ cao 1.200m đến 2.100m.

Sâm Ngọc Linh là một trong năm loại sâm quý trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế Việt Nam năm 1978, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết (thường thấy ở các loại sâm quý khác của Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản) và 24 saponin pammaran có cấu trúc mới không bắt gặp trong các loại sâm khác. Những kết quả nghiên cứu mới nhất còn phát hiện thêm nhiều saponin của sâm Ngọc Linh hơn nữa, tổng cộng là 52 loại.

Sâm Ngọc Linh là loại sâm quý của núi rừng Việt Nam
Sâm Ngọc Linh là loại sâm quý của núi rừng Việt Nam

Như vậy, sâm Ngọc Linh là loại sâm có số lượng saponin nhiều nhất so với các loài khác của chi Panax, chứa chủ yếu các saponin triterpen, đồng thời cũng là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin pammaran cao nhất. Ngoài ra, trong sâm Ngọc Linh còn có 14 loại axít béo, 16 loại axít amin (trong đó có 8 loại axít amin không thay thế được) và 18 nguyên tố đa lượng, vi lượng.

Khi đánh giá nhân sâm, hàm lượng và sự đa dạng của chất saponin có trong nhân sâm tỷ lệ thuận với giá trị của nó. Điều đó có nghĩa sâm Ngọc Linh thực sự là một bảo vật của núi rừng Việt Nam.

Tác dụng của sâm Ngọc Linh

Trước khi có những nghiên cứu khoa học được công bố rộng rãi, sâm Ngọc Linh đã được các dân tộc thiểu số Việt Nam dùng làm bài thuốc cổ truyền trong các trường hợp cầm máu, lành vết thương, sốt rét, đau bụng, phù thũng hay để bồi bổ cơ thể. Bộ phận dùng làm thuốc thường là thân rễ, rễ củ, có thể dùng cả lá và rễ non.

Qua những kết quả nghiên cứu dược lý cũng như thực nghiệm lâm sàng trên nhiều bệnh nhân, sâm Ngọc Linh đã được chứng minh tác dụng chống trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxi hóa, làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường thể lực, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan, nâng cao huyết áp ở người thấp huyết áp… Ngoài ra, sâm hỗ trợ tốt ngay cả khi người bệnh dùng thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường.

Với những tác dụng đa dạng trong phòng và chữa bệnh, sâm Ngọc Linh có thể được dùng cho nhiều đối tượng bệnh nhân và an toàn với nhiều lứa tuổi, cả người cao tuổi và trẻ nhỏ. Sâm Ngọc Linh là món quà quý giá cho sức khỏe cộng đồng.

Những lưu ý khi dùng sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh không dành cho phụ nữ mang thai vì có nguy cơ sảy thai.

Không dùng cho bệnh nhân đau bụng (thể hàn, tiết tả…).

Những người bị bệnh tăng huyết áp không nên sử dụng vì sâm có tác dụng nâng cao huyết áp, sẽ làm bệnh thêm trầm trọng.

Những người bị chứng mất ngủ không nên dùng vào buổi chiều hoặc tối.